TRẢI NGHIỆM KHÁM PHÁ KHOA HỌC

1/5 - (1 bình chọn)

TRẢI NGHIỆM KHÁM PHÁ KHOA HỌC LÀ CẦN THIẾT CHO MỌI TRẺ EM
Tuổi thơ là một giai đoạn rất đặc biệt của con người. Nơi bắt đầu của những câu hỏi, tò mò và háo hức về thế giới xung quanh. Các nghiên cứu về thần kinh và tâm lý học đều cho thấy bộ não của trẻ ở giai đoạn trước 16 tuổi đạt hầu hết phát triển quan trọng và gần như định hình cho những năng lực trí tuệ về sau. Đó cũng là thời gian rất phù hợp để trẻ có thể hoà mình với những trải nghiệm khám phá khoa học thông qua trải nghiệm thế giới xung quanh trực quan sinh động.
Trải nghiệm khám phá khoa học đối với trẻ em có thể bắt đầu ngay từ khoảng 3 tuổi cho đến hết chương trình học phổ thông. Danh sách các hoạt động liên quan đến khám phá khoa học thì dường như không có giới hạn, có thể diễn ra tại trường học, tại gia đình, hay ngay bên ngoài xã hội. Có thể kể ra như những hoạt động liên quan đến sinh học, hoá học, vật lý học, khoa học về môi trường, về vũ trụ, địa chất… Từ những trò chơi đơn giản, như làm dùng kính lúp để tạo ra lửa, hay những chuyến đi dã ngoại làm bộ sưu tập các loại lá cây và côn trùng, tất cả đều tạo nên cho trẻ những trải nghiệm khám phá khoa học bổ ích.
Có rất nhiều lý do để trẻ cần được trải nghiệm khoa học sớm.
1. Trẻ cần môi trường để phát triển các kỹ năng.
Học trải nghiệm khám phá khoa học không chỉ dừng ở việc học các lý thuyết, nhớ các công thức, các quy luật mà hơn hết là học thông qua quá trình truy vấn (inquiry), đi từ đặt câu hỏi, thực hành và tương tác. Đặc điểm học của trẻ nhỏ là học thông qua các giác quan và các chuyển động của cơ thể. Có rất nhiều kỹ năng trẻ có thể học được thông qua trải nghiệm khoa học như: kỹ năng quan sát, so sánh, phân loại, giải quyết vấn đề, sáng tạo, ra quyết định, làm việc nhóm, giao tiếp, khai thác các công cụ thông tin truyền thông…
2. Trẻ cần môi trường để phát triển tư duy.
Học khoa học chính là một cách học tư duy. Trong các hoạt động học khoa học, trẻ em được học cách quan sát, phân tích và đưa ra kết luận theo kiểu tư duy quy nạp (inductive reasoning). Hoặc trẻ còn được học đi từ những định luật, quy luật để rút ra những phán đoán và lời giải cho từng tình huống cụ thể theo kiểu tư duy diễn dịch (deductive reasoning). Ví dụ: khi trẻ quan sát thấy một vài hiện tượng về nước bốc hơi khi gặp nhiệt, trẻ sẽ suy luận vệ vòng tuần hoàn của nước trong khí quyển hay hiện tượng khô hạn vào mùa hè.
3. Trẻ cần kiến thức để ứng phó với thế giới xung quanh.
Ngày nay, khoa học và công nghệ càng ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống của con người. Các vấn đề về an toàn thực phẩm, sức khỏe, môi trường, thiết bị điện tử… luôn cần có kiến thức và hiểu biết để con người ra các quyết định và lựa chọn sáng suốt. Xã hội càng văn minh, con người càng cần đến các kiến thức khoa học để đưa ra nhận định, đánh giá, chọn lựa và ứng dụng vào cuộc sống. Lấy ví dụ về sự lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ của gia đình. Rõ ràng rất cần đến kiến thức về dinh dưỡng, hiểu biết về các loại vitamin, các dưỡng chất thiết yếu, các cách chế biến và bảo quản thực phẩm…
4. Trẻ cần được học về bản chất của khoa học.
Khoa học là một phạm trù về kiến thức của nhân loại, được hệ thống lại dựa trên các nghiên cứu. Đặc điểm của khoa học đi từ những quan sát thực nghiệm, dựa trên các bằng chứng, thí nghiệm và lý lẽ. Mặc dù kiến thức khoa học có tính đáng tin cậy và được ứng dụng trong hầu hết đời sống của con người. Nhưng không phải mọi thông tin khoa học đều được xem là chân lý và luôn luôn đúng. Nó còn tùy vào thông tin đó đến từ đâu, do ai thực hiện, do ai đánh giá, trong hoàn cảnh nào….
Và hơn hết, chính những trải nghiệm khoa học thực tế giúp trẻ hình thành nên tình yêu về thế giới xung quanh dựa trên nhận thức về tri thức, hun đúc cho những hành vi và thái độ tốt trong cuộc sống, đồng thời góp phần nuôi dưỡng đam mê, sở thích của trẻ ngày một phát triển hơn trong tương lai. Rõ ràng học khoa học ở đây không phải để đối phó với các kỳ thi như cách giáo dục phổ biến ở Việt Nam.
Theo Nguyễn Thành Hải
Viện Nghiên Cứu Giáo Dục STEM
ĐH Missouri, Mỹ

Đông Cao, Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội

tuyensinh1@eraschool.edu.vn

0899 889 818

eraschool.edu.vn